Thiếu khoáng vi lượng thì sao?

TRUNG THỰC - HỢP TÁC - PHÁT TRIỂN

bài viết

CHẤT LƯỢNG

DANH MỤC

LIÊN KẾT

Thiếu khoáng vi lượng thì sao?

Khoáng vi lượng xài rất, rất ít, nhưng lại rất cần thiết cho sức khỏe con người. Có khoảng hai tỉ người  được xem là thiếu iod, sắt, kẽm…, vì thế hầu hết các nước trên thế giới đều có chương trình bổ sung khoáng vi lượng, kể cả Việt Nam. Nhưng trong buổi hội thảo mới đây, ngày 25/6/2018, các doanh nghiệp thực phẩm trong nước lại không đồng tình với chương trình bổ sung vi lượng này. Vì sao?


Vũ Thế Thành

 


Thiếu iod, sắt, kẽm

Khoa học chưa bao giờ xác nhận ăn hàu làm tăng
“bản lĩnh đàn ông” cả


Khoa học chưa bao giờ xác nhận ăn hàu làm tăng “bản lĩnh đàn ông” cả


Thiếu iod ai cũng nghĩ đến bướu cổ, nhưng đáng ngại nhất là đần độn, thiểu năng, chậm phát triển tâm thần ở trẻ em, khả năng nghe, nói và suy nghĩ của chúng đều lệch lạc.


Thiếu sắt sẽ dẫn đến thiếu máu. Mà thiếu máu thì sanh nhiều chuyện lắm. Nhẹ thì nhức đầu chóng mặt, gầy yếu xanh xao, nặng hơn thì bị tim mạch. Ở trẻ em, thiếu máu làm trẻ chậm tăng trưởng phát triển.


Thiếu kẽm làm hệ miễn nhiễm bị suy kém, dễ sanh bệnh, ăn uống mất ngon (nhạy cảm vị và mùi kém), rồi thì tóc rụng, móng tay dễ gãy, “bản lĩnh đàn ông” bị kém đi. Nhưng quan trọng hơn, trẻ em kém phát triển về tầm vóc chiều cao.


Những khoáng vi lượng này đều có trong thực phẩm, nhưng ăn uống không đầy đủ, cân bằng nên mới sinh ra thiếu.


Vi chất có trong thực phẩm


Iod có nhiều trong cá biển, tôm cua, trứng, sữa gầy, yogurt… và nhất là rong biển. Dân Nhật ăn nhiều đồ biển nên hầu như không bị thiếu iod, thậm chí có người ăn dư iod đến sinh… bệnh. Thiếu hay thừa iod đều không có lợi cho sức khỏe.


Sắt thì hầu như thực phẩm nào ít nhiều cũng có: thủy hải sản, thịt đỏ, trứng, rau củ quả, đậu nành, trái cây… Sắt trong thịt cá dễ hấp thu hơn sắt trong rau củ quả từ 3-8 lần. Tuy nhiên, sắt trong rau củ quả sẽ dễ hấp thu hơn nếu ăn kèm với trái cây có nhiều vitamin C như ổi, cherry, cam, chanh…


Kẽm có ít trong rau củ quả, nhưng lại có nhiều trong thịt, cá, hải sản, gan… Khủng nhất là con hàu. Ăn 100gr hàu là đã gấp 7 lần nhu cầu kẽm mỗi ngày. Huyền thoại hàu cường dương xuất phát từ kẽm, nhưng khoa học chưa bao giờ xác nhận ăn hàu làm tăng “bản lĩnh đàn ông” cả.


Nhóm rủi ro thiếu vi chất


Thực phẩm tràn đầy khoáng vi lượng như thế, làm gì đến nỗi phải nói khoảng hai tỉ người thiếu iod, kẽm, sắt? Con số hai tỉ chỉ nói chung chung, có thể rủi ro thế thôi, chứ thiếu khoáng vi lượng nhiều đến nỗi sanh bệnh thì con số ít hơn nhiều.


Kẽm, chẳng hạn, thiếu ít thì có, nhưng thiếu nhiều đến nỗi sinh bệnh thì hầu như rất ít.


Thiếu sắt chỉ có ở những vùng nghèo đói, kém phát triển, ăn uống không đủ chất.


Iod thì lẩn quẩn hơn, ở những vùng miền núi, hoặc những vùng có đất trồng trọt thiếu iod, thì cư dân ở đây thường thiếu iod.


Tuy nhiên, bà bầu, bà mẹ cho con bú và trẻ em, là những nhóm rủi ro thiếu khoáng vi lượng do nhu cầu vi lượng tăng, nhưng ăn uống lại không đủ chất, phổ biến nhất là thiếu iod và sắt. Không những chỉ ăn đủ chất, mà phải ăn đúng cách, nếu không vi chất sẽ gặp trở ngại do hấp thu. Vấn đề này sẽ được đề cập ở bài viết khác.


Tạo ra cầu thì sẽ có cung


Các nước trên thế giới đều có chương trình bổ sung vi lượng vào thực phẩm. Họ truyền thông, quảng bá lợi ích của các khoáng vi lượng, hướng dẫn người dân ăn uống thế nào cho đầy đủ và đúng cách. Đồng thời khuyến khích (chứ không bắt buộc) các doanh nghiệp bổ sung vi lượng vào thực phẩm và kê khai trên nhãn để người tiêu dùng, nếu cần thì lựa chọn.


Ở Việt Nam, năm 2016, chính phủ ra nghị định buộc các doanh nghiệp phải bổ sung vi chất vào sản phẩm. Doanh nghiệp nào xài tới muối thì phải dùng muối iod, dùng tới bột mì phải bổ sung kẽm và sắt.


Dùng bột mì bổ sung kẽm/sắt, lại dùng thêm muối iod thì mì gói bị xỉn màu, độ dai kém. Nước mắm dùng muối iod thì bị xuống màu… Nói chung ngoại quan sản phẩm đều bị thay đổi, cạnh tranh không nổi với hàng nhập. Mì gói trước khi đóng gói phải đem chiên. Chiên thì làm gì còn iod. Doanh nghiệp kêu trời. Chính phủ lắng nghe, nên tháng 5 vừa rồi (2018) mới ra nghị quyết bãi bỏ việc ép buộc mà chỉ khuyến khích bổ sung vi lượng. Nghị quyết ra rồi, nhưng Bộ Y tế rề rà chưa triển khai thực hiện, nên doanh nghiệp ấm ức.


Bổ sung vi chất là điều cần thiết cho cộng đồng. Nhưng nên nhấn mạnh đến quảng bá, tuyên truyền lợi ích của chất vi lượng hơn là dùng mệnh lệnh hành chánh. Có cầu thì sẽ có cung.

 


Vũ Thế Thành (vuthethanh202@gmail.com)


(Tóm lược bài phát biểu tại hội thảo “Trao đổi một số thông tin và đánh giá tác động việc bổ sung vi chất dinh dưỡng” ngày 25/6/2018 tại TP. HCM).
Nệm toàn cầu - cung cấp sỉ lẻ các loại nệm Nệm toàn cầu - cung cấp sỉ lẻ các loại nệm Nệm toàn cầu - cung cấp sỉ lẻ các loại nệm
028 38451552
Design by Kingweb.vnClose