Cà chua ăn với dưa chuột , mất vitamin C?

TRUNG THỰC - HỢP TÁC - PHÁT TRIỂN

bài viết

CHẤT LƯỢNG

DANH MỤC

LIÊN KẾT

Cà chua ăn với dưa chuột , mất vitamin C?

Cà chua ăn với dưa chuột, mất vitamin C?
-
Vũ Thế Thành

Ngoài Bắc gọi dưa leo là dưa chuột. Dưa leo là loại trái cây mấy bà ưa chuộng, vừa ăn, vừa đắp mặt. Còn cà chua? Ăn vừa mát vừa chua, lại thêm thông tin, chất lycopene trong cà chua làm da Không có mô tả ảnh.mịn màng, khỏi nám khỏi rạn (da bụng).

#- Vài cảnh báo kỳ lạ
Cà chua, dưa chuột ngon lành như thế, vậy mà lại có cảnh báo kỳ lạ thế này:
Trích: Các chuyên gia về dinh dưỡng cho biết, thành phần của trái dưa chuột có chứa một loại men phân giải vitamin C. Chính vì thế, nếu kết hợp dưa chuột với cà chua hay bất kỳ một loại thực phẩm giàu vitamin C nào khác sẽ đều không tốt bởi chúng sẽ làm giảm khả năng hấp thụ vitamin C của cơ thể (hết trích).
Xin dẫn thêm ra đây vài cảnh báo tương tự liên quan tới enzyme và vitamin C:
- Củ cải trắng (giàu enzyme phân giải vitamin C) và cà rốt (có vitamin C)
- Bí đỏ (giàu enzyme) và cải thìa (giàu vitamin)

#- Men phân giải vitamin C không chỉ có trong dưa leo
- Enzyme (men) phân giải vitamin C có tên là L-ascorbate oxidase. Men này có nhiệm vụ xúc tác phản ứng oxid hóa vitamin C thành acid dehydroascorbic (không còn hoạt tính của vitamin C).
- Vitamin C là acid ascorbic, hoặc ở dạng muối ascorbate tùy môi trường cơ thể. Ở dạ dày là acid ascorbic, xuống tới ruột là ascorbate. Vitamin C là chất khử, nên dễ bị oxid hóa. Bởi thế, men phân giải vitamin C mới có tên là ascorbate oxidase
Men phân giải vitamin C có trong thực vật bậc cao (hiểu đại khái là thực vật sống trên cạn). Như vậy, rau củ quả, trái cây nào ít nhiều đều có men phân giải vitamin C, và có nhiều nhất ở phần vỏ của trái cây.
Cũng lưu ý là, rau củ quả trái cây nào cũng là nguồn cung cấp vitamin C dồi dào, nhất là ổi cam quýt, sê ri, …

#- Sống chung êm ả, miễn đừng trầy xước
Vitamin C và men phân giải vitamin C “sống chung” với nhau trong cùng một loại trái cây là chuyện thường, nhưng nước sông không phạm nước giếng, vì men phân giải bị bất hoạt. Dưa chuột, củ cải trắng hay bí đỏ, rồi thì cà chua, cà rốt hay cải thìa cũng đều có cả hai: vitamin C và men phân giải.
Khi trái cây bị trầy xước vỏ, hoặc bầm dập thì men phân giải sẽ tiết ra và hoạt động. Lúc đó vitamin C trong trái cây mới bị biến đổi thành chất khác (thất thoát vitamin C).

#- Làm cách nào chống thất thoát vitamin C?
- Thông thường khi trái cây vừa gọt vỏ, men phân giải bắt đầu hoạt động, tốt nhất nên ăn luôn, nên lượng vitamin C thất thoát không đáng kể. Khi vào tới dạ dày, men phân giải lại bị biến chất do tính acid của dịch vị, nên men coi như vô dụng. Nên vitamin C vẫn tiếp tục được bảo toàn.
- Vitamin C rất dễ bị hủy (dần) khi bầm dập, hoặc khi tiếp xúc với ánh sáng, để ngoài không khí. Trái cây gọt vỏ, xắt miếng rồi, nên ăn ngay.
- Nhiệt cũng làm thất thoát vitamin C. Muốn hạn chế thất thoát vitamin C thì khi luộc rau, nên cho ít nước. Càng nhiều nước, vitamin C thôi vào nước càng nhiều.
- Khi luộc rau, khí oxy hòa tan trong nước sẽ oxid hóa vitamin C. Do đó có húp nước rau luộc cũng chẳng còn bao nhiêu vitamin C.
- Em bé ở tuổi ăn dặm, nếu pha sữa cho bé, nên pha bằng nước ấm. Pha bằng nước sôi thất thoát vitamin C rất nhiều, và bé có thể bị bệnh scurvy (chảy máu) do thiếu vitamin này.

#- Còn phải đào thải vitamin C, chứ lo gì thiếu
Như đã nói trong bài “Giá xào gan heo”, cơ thể chúng ta rất ít khi thiếu vitamin C, vì nhu cầu vitamin C rất ít, mà nguồn cung vitamin C từ các loại rau củ quả lại quá dồi dào. Tiêu thụ quá nhiều vitamin C, thì cơ thể phải đào thải bớt.
Vì tan trong nước, nên vitamin C không tích lũy trong cơ thể. Thu nạp quá nhiều so với nhu cầu cơ thể, vitamin C bị đào thải ra ngoài theo nước tiểu.
Trong trường hợp cần đào thải, cơ thể mới cần tới men phân giải vitamin C để biến vitamin C thành acid dehydroascorbic, rồi thải ra ngoài. Men này do cơ thể tổng hợp chứ không phải do rau quả đưa vào.

#- Lợi ích của dưa leo và cà chua không phải là vitamin C.
Dưa leo không có nhiều vitamin C, 100 g dưa leo chỉ đáp ứng 3% nhu cầu vitamin C hàng ngày. Nhưng dưa leo là nguồn cung cấp vitamin K khá tốt, 100g dưa leo đáp ứng 16% nhu cầu vitamin K mỗi ngày.
Còn 100g cà chua, chỉ đáp ứng 17% nhu cầu vitamin C, thua xa nửa trái ổi. Thế mạnh của cà chua là nguồn cung cấp lycopene, một chất chống oxid hóa khá mạnh. Nghiên cứu bước đầu của đại học Portsmouth cho thấy lycopene có thể làm chậm phát triển của ung thư vú và ung thư tuyến tiền liệt.
Dưa leo ăn với cà chua, củ cải trắng ăn với cà rốt, hay bí đỏ ăn với cải thìa làm giảm khả năng hấp thu vitamin C là có thật, nhưng không đáng kể. Không nên đem chuyện bé xé to để dọa thiên hạ. Chơi thế không đẹp.

Vũ Thế Thành (trích bộ “Ăn để sướng hay ăn để sợ”, tập IV – Giải mã tin đồn)

https://saigonthapcam.wordpress.com/.../ca-chua-an-voi.../
 
Nệm toàn cầu - cung cấp sỉ lẻ các loại nệm Nệm toàn cầu - cung cấp sỉ lẻ các loại nệm Nệm toàn cầu - cung cấp sỉ lẻ các loại nệm
028 38451552
Design by Kingweb.vnClose