Chim, rắn, người và ... OM

TRUNG THỰC - HỢP TÁC - PHÁT TRIỂN

bài viết

CHẤT LƯỢNG

DANH MỤC

LIÊN KẾT

Chim, rắn, người và ... OM

Tôi đang ở Đà lạt, ông gọi phone: Moa đang triển lãm tranh ở nhà chú Hỏa. Về đây, thích tấm nào, moa tặng. Moa tặng tranh không tặng khung, toa phải trả tiền khung. Tôi chọn một trong những bức tranh về chủ đề Chim. Bức họa tôi chọn, ông vẽ thêm cả rắn cả người.
 


 

Vũ Thế Thành
 

 

Chim, Rắn, Người và… OM
(Hình chụp tại buổi triễn lãm – Vtt)


 

Chim bồ câu trong các bức họa của Thân Trọng Minh không đậu cành cây, không ngậm cành hoa, không sải cánh bay chuyển tin cho người. Chim chỉ đứng yên dưới mặt đất, ngóng cổ chờ tin.

 

Mặt người trong tranh không phân tán, vỡ vụn, mà đầy đặn. Đôi bàn tay âm u, lẫn trong nền tối thò vào mặt người như thể bóp mũi bịt miệng. Tay của chính mình hay tay của đời?
 

Rắn từ nóc nhà xà xuông mặt người. Rắn của cám dỗ, của khôn ngoan, hay của báo oán?
 

Con mắt chấp mê của tôi đã nhìn một ký hiệu trong tranh thành con số…35, và không dám suy diễn thêm. Hỏi, ông giải thích đó là chữ Phạn. Dấu móc trên của số 3 là Vô thức. Móc dưới của số 3 là Mê thức. Móc dưới của số 5 là Ý thức. Trên móc dưới là dấu ngoặc hình lưỡi liềm và dấu chấm. Ông nói đó là trăng và sao. Con người vượt qua được Vô thức, Mê thức và Ý thức,  sẽ đạt tới trạng thái hài hòa của vũ trụ, như trăng và sao. Tập hợp những ký tự đó, tiếng Phạn đọc là OM. Rải rác trong vài bức tranh khác của ông cũng có OM.
 

Sách đã phát hành, tranh đã triển lãm thì tác phẩm sẽ bị người đời “tước đoạt” theo cái nhìn riêng của họ. Nhiều người ra sức chứng minh Kiều vẫn còn yêu Kim Trọng sau khi họ tái hợp. Tôi nghĩ khác. Đời son phấn bầm dập làm sao Kiều có thể hòa nhịp với anh chàng thư sinh non dạ xót xa? Tám Bính chỉ có thể yêu Năm Sài Gòn là thế. Tôi không biết Nguyễn Du có cùng ý nghĩ như vậy không. Tôi chỉ cảm nhận, chứ không chứng minh rằng tác giả nghĩ thế.
 

Cái nhìn “tước đoạt” từ người đọc là chuyện thường. “Tước đoạt” có hệ thống là các nhà phê bình. Dù khen hay chê cũng không thể chứng minh chân lý với một bài toán có nhiều đáp số. Nguyễn Du biết sợ, nên than, Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như. Thân Trọng Minh thức thời hơn, như có lần nói với tôi, Moa vẽ, ai muốn hiểu sao thì hiểu.
 

Ừ, thì tôi sẽ hiểu tranh của ông như thằng con nít trong Hoàng Tử Bé của Saint Exupéry. Người lớn nhìn thấy đó là bức tranh vẽ cái nón, thằng nhóc lại thấy đó là con voi trong bụng con trăn. Hiểu tranh của Thân Trọng Minh đúng hay sai, tôi không quan tâm vì đó là cảm nhận của riêng tôi: Chim, Rắn, Người và OM.
 

Trong OM, Ý thức là cái mình biết. Vô thức là cái mình không biết. Cả hai đều chi phối tư duy và hành vi của con người. Nhưng Mê thức thì tôi chịu, mới nghe từ này lần đầu. Tôi chợt nhớ đến bến Giác Mê trong Hồng Lâu Mộng. Hòn đá thiêng đang ở cõi Thái hư ảo cảnh, ham vui, hóa thân thành người, rong chơi chốn nhân gian, mê tình đắm sắc, trùng trùng oan nghiệt. Rồi cũng đến lúc ngộ ra, tìm về bến Giác mê. Tôi không biết “Mê” trong Mê thức của Thân Trọng Minh có phải “Mê” trong bến Giác Mê không, nhưng đời người hữu hạn, tư duy hữu hạn, chỉ có buồn đau là vô hạn, luẩn quẩn trong kiếp luân hồi. Bến Giác mê, hẳn là nơi chốn ông đang tìm đến. Bến nằm nơi đâu giữa Chim, Rắn và Người? Hay ẩn giấu trong sắc màu sẫm tối của nền tranh? Toàn thể bức tranh chỉ có khung tranh là có giá (vật chất), còn lại là Chim, Rắn, Người và Sắc là (hành trình) bến, là OM.
 

Thân Trọng Minh là bác sĩ quân y của chế độ Sài Gòn. Từ thời đi học đã viết văn làm thơ đăng trên các tạp chí văn học. Sau 75, ông phải đi cải tạo, rồi quay lại nghề y, là trưởng khoa Tim mạch của một bệnh viện lớn ở Sàigòn cho đến khi về hưu. Cách nay 1-2 năm, tờ Quán Văn ra số chuyên đề về Lữ Kiều, bút danh của ông, dù ông không còn viết lách gì nữa. Ông nói, moa không còn hứng thú để viết, moa muốn vẽ. Thân hữu tiếc, nhưng tôi thấy ông có lý. Mộng tưởng một thời đã tàn lụi, bới ra cũng chẳng thể nói hết. Văn chương bay bổng, thơ phú cô đọng, nhưng hội họa là nước cốt dừa, là ẩn dụ, là chất chứa những suy tư về cuộc sống chỉ trong một tờ giấy, ai muốn hiểu sao thì hiểu.
 

Thân Trọng Minh sống chậm rãi, kiến thức rộng và sâu. Mọi thứ với ông dường như không quan trọng. Phòng mạch của ông treo đầy tranh ảnh. Có hình ông chụp với hòa thượng, bên cạnh là hình ông chụp với giám mục. Ông cười, Moa là bác sĩ riêng của hai vị đó. Tính ông xuề xòa, ai ông cũng chơi được. Giả dụ ma quỷ có đến chơi, ông cũng thủng thỉnh mời trà tiếp rượu, rồi lại chụp hình chung treo ở phòng mạch cũng không chừng.
 

Con người Thân Trọng Minh nhiều sĩ quá, là bác sĩ, là thi sĩ, là văn sĩ, là họa sĩ… Biết gọi ông là gì? Có lẽ tôi sẽ gọi ông là nghệ sĩ tay chơi. Một tay chơi không ồn ào, không tự buồn tự sướng, mà đằm thắm như thiếu nữ lõa thể ngắm mình trong gương, rồi bỗng ngộ ra ra lẽ tử sinh ở đời: OM
 

Vũ Thế Thành (Báo Thế Giới Tiếp Thị, số 12/9/2018)
 

Nệm toàn cầu - cung cấp sỉ lẻ các loại nệm Nệm toàn cầu - cung cấp sỉ lẻ các loại nệm Nệm toàn cầu - cung cấp sỉ lẻ các loại nệm
028 38451552
Design by Kingweb.vnClose