Mùa nước nổi
Tôi hứa với các bạn tôi, khi họ về Việt Nam sẽ dẫn đi xem mùa nước nổi ở đồng bằng sông Cửu Long. Tháng 10 năm ngoái, người về nhưng lũ không về. Dòng sông đã cạn, đồng ruộng cũng cạn, rải rác vài vũng nước buồn tẻ. Tôi đành dẫn lũ bạn đi ăn cá tra phồng ngâm giấm hành với cơm nguội ở một quán nổi trên bờ sông Hậu…
Vũ Thế Thành
Năm nay, lũ cũng chẳng về. Đã ba năm liên tiếp, Miền Tây không có mùa nước lũ.
Nước lũ đổ từ thượng nguồn về hạ nguồn, đến đồng bằng sông Cửu Long từ tháng 8 đến 11 Dương lịch, và ít khi là thiên tai với người dân Nam Bộ. Trái lại, nước về không chỉ mang theo phù sa, mà còn mang theo đủ loại tôm cá. Dân ở đây cho đất nghỉ ngơi, khỏi trồng cấy chi cho mệt, chỉ thả câu giăng lưới hưởng của trời cho
Nước lũ không về, nước mặn từ biển sẽ xâm lấn. Vựa lúa miền Tây sẽ đi về đâu? Tôi chợt nghĩ đến những em bé bán vé số, những cô gái lấy chồng Đài Loan, Hàn Quốc, hay qua Campuchia làm nghề “buôn phấn”,… không ít đâu, cả vài trăm ngàn, cũng đều gốc gác Miền Tây mà ra.
Khi xưa mùa nước nổi ở Miền Tây không còn đồng cỏ, người dân đồng bằng phải dẫn trâu lên vùng cao, thường là khu vực núi Thất Sơn để trâu có cỏ mà ăn. Con trâu là tài sản quý giá đối với nông dân Nam Bộ thuở đó, chứ không như bây giờ đem trâu đi nhúng mẻ. Ai không thể dẫn trâu đi, thì thuê người dẫn trâu đi “tỵ nạn”, như một thứ “bảo tiêu” trong truyện kiếm hiệp Trung Hoa. Và mùa nước nổi cũng được gọi là mùa len trâu, hay thả trâu đi rông tự do theo tiếng Khmer.
Miền Tây mùa nước nổi với vài nhóm người lùa trâu vượt qua cơn lũ, đất trời hoang dã, và con người mang tính lục lâm thảo khấu, giang hồ mã thượng, trọng nghĩa khinh tài……. Tất cả những hình ảnh này được tái hiện qua bộ phim “Mùa len trâu” của đạo diễn Nguyễn Võ Nghiêm Minh phát hành năm 2004, chuyển thể từ truyện ngắn cùng tên của nhà văn Sơn Nam.
Tôi nhớ cặp mắt buồn thảm của chú bé ngồi bên xác cha mình trên chiếc thuyền nhỏ trong mùa nước lũ…. Tất cả đều xa vắng như giòng hồi tưởng của chú bé khi đã trưởng thành, nhớ về mùa nước nổi.
Bây giờ, tôi cũng nhớ về mùa nước nổi, với cá linh, nhỏ hơn ngón tay út, tẩm bột chiên dòn, sao mà ngon, bắt mồi kinh khủng…
Nhớ về mùa nước nổi cũng là để buồn cho mùa nước cạn. Nhớ về quá khứ để buồn cho hiện tại, và lo lắng cho tương lai của vùng đất một thời là vựa lúa của Miền Nam, vùng đất của dân giang hồ lục tỉnh…
Xin mời cùng tôi xem lại bộ phim “Mùa nước nổi”
Vũ Thế Thành
—–