Sau thông báo của WHO, số phận đường aspartame đi về đâu?

TRUNG THỰC - HỢP TÁC - PHÁT TRIỂN

bài viết

CHẤT LƯỢNG

DANH MỤC

LIÊN KẾT

Sau thông báo của WHO, số phận đường aspartame đi về đâu?

Sau thông báo của WHO, số phận đường aspartame đi về đâu?
-
Vũ Thế Thành

Ngày 14/7/2023 như dự định, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), và hai bộ phận trực thuộc là IARC và JECFA đã chính thức công bố số phận của đường aspartame sau gần một tháng hé tin, nói úp mở.

#- Tuyên bố của WHO về aspartame
Hai điểm chính trong thông báo của WHO như sau:
- IARC xếp đường aspartame vào Group 2B, thuốc nhóm chất “có thể gây ung thư cho người” (possibly carcinogenic to humans), nhưng bằng chứng còn hạn chế (limited evidence).
- JECFA tái khẳng định, ADI của aspartame vẫn là 40 mg/kg thể trọng (khoảng 2g/ngày với người nặng 50kg) – ADI là liều ăn vào hàng ngày chấp nhận được (Acceptable Dailly Intake).
Như vậy, tuyên bố của WHO là chẳng có gì thay đổi số phận của aspartame – Aspartame vẫn được phép dùng trong thực phẩm với mức ADI 40mg như cũ.

#- Đồng nghiệp “thân thiết” nhưng bất đồng
Công việc của IARC và JECFA như sau:
-IARC (International Agency for Research on Cancer) là cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế thuộc Tổ chức WHO, có nhiệm vụ đánh giá một chất nào đó có gây ung thư hay không, ảnh hưởng nặng nhẹ, mạnh yếu thế nào,… rồi phân nhóm.
JECFA (Joint Expert Committee on Food Additives) là Ủy ban hỗn hợp các chuyên gia về phụ gia thực phẩm của WHO và FAO (tổ chức Lương Nông). Cả WHO và FAO đều là hai tổ chức chuyên môn thuộc Liên Hiệp Quốc.
Nói gọn, công việc của IARC là đánh giá, còn có khuyến cáo sử dụng hay không, hay sử dụng thế nào là công việc của JECFA.
Đây là lần đầu tiên IARC đánh giá về aspartame, và xếp luôn aspartame vào Group 2B, có thể gây ung thư cho người. Group 2B theo cách phân loại của IARC là nói về chất có thể gây ung thư cho người, nhưng bằng chứng còn hạn chế.
Còn với JECFA, đây là lần thứ 3 mà JECFA khẳng định mức ADI của aspartame vẫn là 40mg/kg thể trọng. JECFA cho rằng các chứng cớ về mối liên hệ giữa mức tiêu thụ aspartame (hiện nay) và ung thư ở người là không thuyết phục, vì còn tùy mức độ phơi nhiễm, nôm na là mức tiêu thụ aspartame nhiều hay ít. Do đó, JECFA vẫn tái khẳng định mức ADI là 40mg/kg thể trọng là an toàn.
Cũng trong thông báo ngày 14/7/2023, JECFA còn đưa ra một thí dụ sống động, một lon nước ngọt chứa 200-300 mg aspartame, thì một người nặng 70kg phải tiêu thụ tới hơn 9-14 lon mới vượt ngưỡng ADI.
Hai anh đồng nghiệp thân thiết, IARC và JECFA đều thuộc tổ chức WHO, ông nói gà, bà nói vịt, nhưng cả hai đều rơi vào giai đoạn “chuẩn bị thông báo” đầy kịch tính. Sao vậy?

#- Hai ông lớn EFSA và FDA nói gì về aspartame?
Cũng nên biết rằng, cách phân loại chất gây ung thư của IARC là của riêng IARC chưa hẳn đã được hai “ông kẹ” FDA (Mỹ) và EFSA (châu Âu) chấp nhận.
Chẳng hạn, với chất diệt cỏ glyphosate, IARC xếp vào group 2A (có đủ bằng chứng gây ung thư trên động vật thí nghiệm, nhưng ở người bằng chứng còn hạn chế), nhưng Cơ quan An toàn Thực phẩm Châu Âu (EFSA) lại không xem glyphosate là chất có rủi ro gây ung thư vì còn tùy thuộc vào mức độ và thời gian phơi nhiễm. Với vụ thông báo úp mở của WHO về đường aspartame vừa qua, EFSA không lên tiếng, và vẫn giữ quyết định của mình, aspartame được phép dùng với ADI là 40mg/kg thể trọng.
Còn cơ quan FDA (Mỹ), trong một văn thư trả lời phỏng vấn của đài NPR (Mỹ), việc WHO phân loại aspartame là “chất có thể gây ung thư cho người” (possibly carcinogenic to humans – Group 2B) không có nghĩa là aspartame có mối liên hệ thực sự gì đến ung thư. Cũng nên biết, FDA cho phép mức ADI của aspartame lên tới 50mg/kg thể trọng, chơi “xộp” hơn JECFA và EFSA (chỉ có 40mg). Trước đó, FDA đã than phiền rằng kiểu thông báo của WHO chỉ làm người tiêu dùng hoang mang.
Tiềm lực nghiên cứu của Mỹ và châu Âu quá dồi dào, đủ để IARC hay tổ chức WHO không thể làm dao động họ.

#- Thật khó hiểu!
Đường aspartame có mặt trên thị trường 50 năm nay, với hơn 100 quốc gia cho phép sử dụng, kể cả Mỹ, châu Âu, Anh, Canada,.. Muốn kết tội aspartame gây ung thư phải có bằng chứng dịch tễ rất “cứng”, chứ không đơn giản là dựa vào những nghiên cứu quan sát (observational study) hay mấy con chuột trong phòng thí nghiệm.
Đường aspartame không chỉ được dùng trong công nghiệp thực phẩm (bánh kẹo, nước ngọt,…), mà còn bán lẻ dưới các nhãn hiệu Equal, NutraSweet, Canderel cho người bị tiểu đường pha cà phê hay ăn chè cho đỡ…vã (ngọt).
Bên cạnh aspartame, thị trường hiện nay có gần chục chất tạo ngọt nhân tạo acesulfame-K, neotame, saccharin, sucralose,…Mỗi loại đều có ưu và khuyết điểm khác nhau về chất lượng, và cạnh tranh nhau ác liệt.
Cách thông báo của WHO vừa qua về số phận của aspartame, “có (hại) mà cũng như không (hại)”, thật khó hiểu!

Vũ Thế Thành
———–
Tham khảo:
– Aspartame hazard and risk assessment results released –
https://www.who.int/.../14-07-2023-aspartame-hazard-and...
– World Health Organization releases reports on artificial sweetener aspartame and cancer risk – https://www.nbcnews.com/.../cancer-aspartame-who-report...
– WHO says aspartame is a ‘possible carcinogen.’ The FDA disagrees – https://www.npr.org/.../world-health-organization-is...
– Aspartame đang nằm trên thớt? https://saigonthapcam.wordpress.com/.../aspartame.../...
----------
https://saigonthapcam.wordpress.com/.../sau-thong-bao.../...
Nệm toàn cầu - cung cấp sỉ lẻ các loại nệm Nệm toàn cầu - cung cấp sỉ lẻ các loại nệm Nệm toàn cầu - cung cấp sỉ lẻ các loại nệm
028 38451552
Design by Kingweb.vnClose