Thực phẩm biến đổi gen có làm thay đổi gen người không?

TRUNG THỰC - HỢP TÁC - PHÁT TRIỂN

bài viết

CHẤT LƯỢNG

DANH MỤC

LIÊN KẾT

Thực phẩm biến đổi gen có làm thay đổi gen người không?


Thực phẩm biến đổi gen có làm thay đổi gen người không?
-
Vũ Thế Thành

Thực phẩm biến đổi gen hiểu đại khái là, lấy đoạn gen của sinh vật này ráp vào gen của sinh vật khác (thực vật) để cây có đặc tính mong muốn, làm năng suất cao hơn, hoặc cải thiện dưỡng chất trong thực phẩm đó.Có thể là hình ảnh về văn bản
Theo định nghĩa của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), thực phẩm biến đổi gen là những thực phẩm mà chất liệu di truyền (DNA) được biến đổi bằng các phương tiện nhân tạo chứ không theo tiến hóa của tự nhiên.
Thực phẩm biến đổi gen được gọi là GM food (Genetically Modified)

#- Ích lợi có được từ thực phẩm GM
Tùy vào đoạn gen được cấp ghép, cây trồng có những đặc tính sau:
- Kháng côn trùng (insect resistance), chẳng hạn bắp GM có thể sản xuất ra độc tố diệt côn trùng, nhưng độc tố này không gây hại cho người và các động vật khác. Nhờ đó, nông dân không phải dùng thuốc diệt côn trùng.
- Kháng thuốc diệt cỏ (herbicide tolerance), cây GM không bị ảnh hưởng bởi loại thuốc diệt cỏ nào đó. Nông dân có thể dùng thuốc diệt cỏ khi cần, mà không gây hại cho cây GM.
- Kháng bệnh (disease resistance), cây GM có thể loại một số virus nào đó gây bệnh cho cây, làm năng suất cây trồng tốt hơn.
- Kháng hạn (drought resistance), cây GM có thể thích nghi với môi trường khô hạn, tiết kiệm nguồn nước.
Nông sản GM phổ hiện nay là bắp, đậu nành, bông vải, dầu cải, củ cải đường, khoai tây, cà chua… Đậu nành GM được dùng chủ yếu để kháng thuốc diệt cỏ. Còn bắp GM để kháng côn trùng và dung hợp thuốc diệt cỏ.
Không chỉ dừng ở cải thiện năng suất, mà GM còn ý đồ cải thiện dinh dưỡng ở cây trồng, như nâng cao mức protein ở khoai tây hay beta caroten ở gạo ( beta caroten sẽ chuyển thành vitamin A khi tiêu thụ).

#- Thực phẩm GM có an toàn?
Vấn đề thực phẩm GM có an toàn không còn là đề tài gây nhiều tranh cãi. Hiện nay có ba lo ngại chính về thực phẩm GM có thể ảnh hướng đến sức khỏe con người. Đó là, gây dị ứng, sanh ra các độc tố, và tạo đột biến gen gây ung thư.
Thực tế, thực phẩm biến đổi gen đã được thế giới sử dụng hơn 20 năm nay, chưa thấy ghi nhận thực phẩm GMO gây ngộ độc, gây quái thai, dị tật, gây ung thư hay bất kỳ tác dụng có hại nào trên người sử dụng.
Cho đến nay, không có bằng chứng khoa học nào cho thấy, thực phẩm GM gây ung thư ở người, nếu có chỉ là những suy diễn, cảm tính. Trên thực tế cũng chưa có trường hợp cụ thể nào được ghi nhận thực phẩn GM gây ung thư, hay quái thai cho người. .
Về thực phẩm GM sanh ra độc tố gây hại cho người cũng thế, chưa có ghi nhận nào, nhưng thử trên động vật thì có dù rất ít, như giống bắp NK 603 gây nhiễm độc ở chuột.
Về dị ứng thì có, một loại đậu nành GM của Barzil trong quá trình thử nghiệm cho thấy gây dị ứng mạnh so với đậu nành thông thường, nên loại giống này không được phép lưu hành trên thị trường.
Một vài lo ngại khác về thực phẩm GM có tác động không tốt cho môi trường, hay chuyển gen từ loại này qua loại khác, gây mất cân bằng sinh thái,…

#- Kiểm định GM rất gắt
Để đưa một sản phẩm GM ra thị trường không phải là điều đơn giản, mà phải tuân thủ các quy định về an toàn từ giai đoạn thử nghiệm.
Ngoài hiệu quả về tính năng kỹ thuật (kháng hạn, hay kháng côn trùng,..), sản phẩm phải được kiểm định để chắc chắn không có độc tố, hay chất lạ so với thực phẩm thông thường cùng loại.
Sản phẩm cũng phải được thử nghiệm trên động vật như chuột, heo bò, gà, cá,… và đánh giá quá trình sanh trưởng, phát triển, khả năng sinh sản, chất độc phát sanh sau khi vật thử nghiệm ăn sản phẩm GM đó.

#- Ghi nhãn thực phẩm GM
Ở Mỹ và Canada trước đây không buộc ghi nhãn GMO (genetically Modified Organism). Tuy nhiên, kể từ năm 2022, trên nhãn phải có dấu hiệu vòng tròn xanh ghi dòng chữ “bioengineered” or “derived from bioengineering” (“có sử dụng kỹ thuật sinh học” ). Nếu không dùng dấu hiệu vòng tròn xanh, thì trên nhãn phải có QR Code để người tiêu dùng truy cập thông tin sản phẩm khi cần.
Ở Châu Âu thì bắt buộc phải ghi nhãn, nếu thành phần có trên 0,9% nguyên liệu GM.
Luật An toàn Thực phẩm Việt Nam buộc ghi nhãn thực phẩm có thành phần nguyên liệu GM

#- GM có trong đủ loại thực phẩm
Hơn 200 triệu tấn đậu nành GM được sản xuất mỗi năm trên thế giới, chiếm gần 60% sản lượng thế giới. 80% lượng bắp sản xuất ở Mỹ là loại GM.
Châu Âu không mặn mà gì lắm với thực phẩm GM, cũng phải bó tay nhập vài chục triệu tấn đậu nành GM mỗi năm. Sau cùng cũng đành chấp nhận cho trồng bắp GM tại châu Âu. Tất cả đều dưới mục đích dùng làm thức ăn… gia súc.
Đậu nành là nguồn protein để nuôi gia súc. Vậy dân châu Âu có ăn thịt bò, heo, gà,.. nuôi từ đậu nành GM không? Đậu nành được ép lấy dầu, chưa hết, phải “rút” thêm lecithin và vài thứ khác nữa trước khi đem bã đậu nành làm thức ăn gia súc. Lecithin là một chất nhũ tương dùng rất phổ biến để chế biến chocolate, kem, magarine và các loại bánh nướng. Toàn là những món ăn mà dân châu Âu khó lòng kiêng cử.
Đậu nành còn được tinh lọc để sản xuất protein đậu nành cấp cao được dùng làm phụ gia cho rất nhiều loại thực phẩm như đồ hộp, bột nêm,…Siêu hơn nữa là tạo ra protein đậu nành cấu trúc tạo độ dai dòn ở các món ăn chay.
Còn bắp? Bắp cũng phải tinh lọc để sản xuất tinh bột bắp, rồi syrô bắp, đường glucose, đường polyols, cao cấp hơn là tinh bột bắp biến tính. Việt Nam là một nước non choẹt về công nghệ thực phẩm, mà còn xài tá lả mấy loại có gốc là bắp GM để chế biến thực phẩm, huống gì Âu Mỹ. Lecithin cũng được chiết suất từ dầu bắp, chứ chăng riêng đậu nành.

#- Thịt biến đổi gen
Động vật biến đổi gen thì nhiều, nhưng chưa nước nào dám xài thịt biến đổi gen để làm thực phẩm cả vì những con vật này dễ mắc bệnh và vô sinh. Hiện nay chỉ có một loại cá hồi GM và một loại thịt heo GM được Cơ quan An toàn Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) của Mỹ chấp thuận.
Còn châu Âu thì tuyệt đối “nói không” với thịt biến đổi gen.

Tóm lại
Mặc dù có nhiều ý kiến trái chiều xung quanh thực phẩm GM, nhưng tác hại đến sức khỏe con người vẫn chưa được ghi nhận suốt hơn 20 năm, kể từ khi thực phẩm GM có mặt trên thị trường. Nhiều quốc gia đã chấp nhận thực phẩm GM để bảo đảm vấn đề an ninh lương thực.
Dù chứng cớ khoa học còn rất yếu, nhưng nhiều người vẫn mạnh miệng phê phán thực phẩm GM vì một địa cầu xanh sạch, vì tương lai nhân loại,… nhưng gần 700 triệu người trên thế giới đang trong tình trạng thiếu ăn mà hơi thở chỉ đủ để than đói. Giải pháp nào cho họ?

Vũ Thế Thành (trích bộ sách “Ăn để sướng hay ăn để sợ?”, Tập II – Rau quả thời lên ngôi.)

https://saigonthapcam.wordpress.com/.../thuc-pham.../...
 
Nệm toàn cầu - cung cấp sỉ lẻ các loại nệm Nệm toàn cầu - cung cấp sỉ lẻ các loại nệm Nệm toàn cầu - cung cấp sỉ lẻ các loại nệm
028 38451552
Design by Kingweb.vnClose